Có Nên Hùn Hạp Làm Ăn Chung? Hùn Hạp Sao Cho Bền?

Hùn hạp làm ăn chung đang là hình thức kinh doanh rất phổ biến trong thời gian gần đây. Hầu hết mọi người đều chọn hùn hạp làm ăn chung với người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp để có thể vừa giảm bớt áp lực về nguồn vốn ban đầu, công việc, lại vừa có người cùng đồng hành, chia sẻ. Tuy vậy, việc hùn hạp làm ăn chung cũng tồn tại nhiều rủi ro, nhất là khi mọi người không đồng thuận ý kiến với nhau, xảy ra tranh chấp thì không chỉ công việc làm ăn bị ảnh hưởng mà ngay cả mối quan hệ cá nhân giữa đôi bên cũng khó lòng giữ được. Chính vì thế, trước khi quyết định hùn hạp làm ăn chung, hãy cân nhắc thật kỹ những điều sau để có nước đi đúng đắn nhất và đảm bảo kinh doanh thành công.

Hùn hạp làm ăn chung

1. Những vấn đề thường xảy ra khi hùn hạp làm ăn chung


    1.1. Bất đồng về lợi ích khi hùn hạp làm ăn chung


Lợi ích về ăn chia lợi nhuận: Hầu hết các phi vụ hùn hạp làm ăn chung thường “bể” do ăn chia lợi nhuận không đồng đều, như cả hai không đạt được sự đồng nhất trong tỷ lệ ăn chia, hoặc tỷ lệ chia ban đầu không còn phù hợp với tình hình thực tế ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, cũng có trường hợp người muốn trích lợi nhuận để tái đầu tư vào quán, nhưng người còn lại muốn chia đều lợi nhuận, không đầu tư thêm.

Lợi ích về cổ phần: Bất đồng này thường xảy ra khi quán làm ăn lỗ, người muốn bỏ vốn đầu tư thêm, người lại không muốn bỏ vốn nhưng khi kinh doanh bắt đầu có lợi nhuận thì lại tranh giành phần, kể công.

Lợi ích về vị trí, vai trò: Ai trong kinh doanh cũng đều muốn được nắm quyền, giữ vai trò quan trọng để có thể chủ động và đưa ra quyết định theo ý muốn của mình. Ngay cả trong hùn hạp làm ăn cũng vậy, người được nắm quyền chính sẽ cho cảm giác chiếm ưu thế cao hơn.

Những lợi ích trước mắt này sẽ khiến người ta toan tính thiệt hơn và quên đi mục đích ban đầu khi quyết định hùn hạp làm ăn chung với nhau.

    1.2. Bất đồng về tư duy phát triển


Nếu như kinh doanh độc lập thì một người sẽ chịu trách nhiệm về tất cả mọi quyết định của mình, lời ăn lỗ chịu. Tuy nhiên, khi hùn hạp làm ăn chung thì mọi người sẽ phải ngồi lại với nhau để cùng đưa ra ý tưởng và xây dựng mục tiêu phát triển trong tương lai. Lúc này, mỗi người sẽ có cách suy tính khác nhau, quan điểm và cái tôi của riêng mình mà ai cũng muốn cố chấp bảo vệ. Nếu như không đạt được sự thống nhất ngay từ ban đầu, thì việc bất đồng về tư duy phát triển chắc chắn sẽ xảy ra trong suốt quá trình hùn hạp làm ăn chung. Cuối cùng dẫn đến sự việc đôi bên không cùng chí hướng, tách nhau ra chỉ là chuyện sớm muộn.

Ngay cả vợ chồng, người thân, hay anh em bạn bè thân thiết như tri kỷ thì dù là mối quan hệ nào cũng đều khó tránh khỏi bất đồng ý kiến, tư tưởng. Chưa kể, khi triển khai ý tưởng và va chạm thực tế sẽ còn phát sinh những vấn đề ngoài dự tính so với kế hoạch trên lý thuyết ban đầu, việc phải thay đổi kế hoạch sẽ lại tiếp tục dẫn đến nhiều bất đồng khác. Cái khó nhất khi hùn hạp làm ăn chung chính là làm thế nào dung hòa được cái tôi cá nhân để tạo nên một tổng thể hài hòa, cùng hướng đến mục tiêu chung.

    1.3. Bất đồng trong trách nhiệm công việc của mỗi người


Để hùn hạp làm ăn chung lâu dài thì mỗi người sẽ được phân công trách nhiệm dựa theo kinh nghiệm và hiểu biết của mình. Chẳng hạn như người có kinh nghiệm kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm vận hành và quản lý hoạt động của quán, người có kinh nghiệm về tài chính sẽ chịu trách nhiệm về sổ sách và lên kế hoạch chi tiêu sao cho tối ưu nguồn vốn,… Tuy nhiên, vấn đề sẽ xuất hiện khi mọi người bắt đầu phân bì xem trách nhiệm của ai quan trọng hơn để được giữ vai trò nắm quyền chính hoặc ăn chia tỷ lệ nhiều hơn. Ngoài ra, tình huống người làm nhiều, người làm ít, người chẳng làm gì,… cũng sẽ dẫn đến những bất động trong trách nhiệm công việc của mỗi người khi hùn hạp làm ăn chung.

Không chỉ vậy, tệ hơn cả việc cá nhân đóng góp công sức không đồng đều, chính là sự xuất hiện của những cá nhân ăn chặn lợi ích của tập thể như kê khống chi phí đầu tư để bòn rút từ nguồn ngân sách chung, gian lận trong ghi chép sổ sách để ăn chặn chênh lệch,… Khi rơi vào tình huống này thì việc hùn hạp làm ăn chung sẽ rất dễ đổ vỡ, mọi người bắt đầu tị nạnh, dè chừng và nghi ngờ lẫn nhau. Mối quan hệ cá nhân giữa đôi bên cũng có thể “toang” theo nếu không được giải quyết dứt điểm.

    1.4. Bất đồng về hoàn cảnh cá nhân


Bất đồng cuối cùng nhưng cũng không kém phần ảnh hưởng là sự khác biệt trong hoàn cảnh cá nhân của mỗi người. Khi hợp tác hùn hạp làm ăn chung thì không chỉ cần có sự đồng lòng giữa những người trong câu chuyện là đủ, mà các mối quan hệ xung quanh cũng sẽ tác động không ít. Có thể kể đến những trường hợp quyết định hùn hạp làm ăn chung nhưng không được người nhà ủng hộ, tạo áp lực phải từ bỏ, hoặc người bên ngoài đốc thúc không nên làm chung với người này người. Chỉ cần mọi người nói ra nói vào đôi câu cũng có thể khiến người trong cuộc thay đổi suy nghĩ và hành động của mình.

Tất nhiên, không ai có thể can thiệp vào các mối quan hệ xung quanh của người khác, và lời khuyên của mọi người cũng chưa hẳn là có ý xấu. Dù vậy, đôi khi có những thứ diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và quyết định của người trong cuộc, vô tình phá vỡ mối quan hệ hùn hạp hiện có.

2. Có nên hùn hạp làm ăn chung?


Dĩ nhiên, hẳn phải có lợi ích thì mọi người mới chọn hùn hạp làm ăn nhiều đến thế. Nhất là trong kinh doanh F&B, thì việc có người cùng đồng hành, hỗ trợ sẽ giúp mọi người giảm tải ít nhiều áp lực khi mở quán khởi nghiệp. Hai ưu điểm lớn nhất khi hùn hạp làm ăn chung trong kinh doanh F&B:

- San sẻ đầu công việc: Trên thực tế, không phải ai cũng có thể giỏi toàn diện mọi mặt và đủ sức để cáng đáng mọi công việc một mình. Hơn hết, mở quán khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt là trong thời gian đầu khi hoạt động kinh doanh chưa đi vào quỹ đạo, chưa có lợi nhuận, cùng khối lượng công việc nhiều vô kể sẽ rất dễ khiến các chủ quán non trẻ “gãy gánh giữa đường”. Ngay cả những người đã có kinh nghiệm trong kinh doanh F&B thì ôm đồm mọi việc một mình cũng đã là một thách thức rất lớn. Do vậy, việc hùn hạp làm ăn chung sẽ giúp giảm tải áp lực công việc, mỗi người chịu trách nhiệm một số công việc nhất định dựa trên điểm mạnh và kiến thức của mình, thay vì “all in one” cho một người duy nhất.

- Nhẹ gánh tài chính: Mở quán khởi nghiệp đòi hỏi phải bỏ ra một số tiền đầu tư tương đối lớn, ít nhất phải vài trăm triệu đồng mới có thể đảm bảo quán đủ điều kiện để đi vào hoạt động. Thêm vào đó, không phải cứ khai trương kinh doanh sẽ lập tức sinh lời. Hầu hết chủ quán đều phải gồng lỗ trong ít nhất 6 tháng đầu cho đến khi quán thu hồi vốn và bắt đầu có lợi nhuận. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều quán phải đóng cửa chỉ trong năm đầu kinh doanh, phần lớn đều do thiếu vốn đầu tư và không có ngân sách dự trù. Tuy nhiên, nếu hùn hạp làm ăn chung thì gánh nặng tài chính sẽ được giảm nhẹ đi đáng kể. Đôi bên có thể hỗ trợ nhau về mặt tài chính, hạn chế phải vay mượn bên ngoài, cho đến khi quán sinh lời có thể thỏa thỏa phân chia theo tỷ lệ đầu tư.

3. Hùn hạp làm ăn chung sao cho bền?


    3.1. Chọn người hùn hạp làm ăn chung có kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B


Bất cứ vấn đề liên quan đến tiền bạc thì mọi người đều trong tâm lý thận trọng và lo ngại bị lợi dụng, lừa đảo. Do vậy, hầu hết mọi người thường chọn hùn hạp làm ăn chung với người thân, bạn bè hoặc các mối quan hệ thân thiết để dễ dàng làm việc, hạn chế khả năng bị lợi dụng và có độ tín nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, trong kinh doanh thì yếu tố hàng đầu để chọn người hùn hạp cùng không phải mức độ thân thiết, mà là kinh nghiệm trong nghề. Hợp tác cùng một người thân quen nhưng không có kinh nghiệm thì không chỉ khiến công việc làm ăn “gãy”, mà có thể cả mối quan hệ cũng “gãy” theo.

Chọn một người có kinh nghiệm để hợp tác cùng ngoài việc dẫn dắt và cho bạn những định hướng phù hợp, thì khi có tranh chấp xảy ra, đôi bên cũng có thể cùng trao đổi một cách thẳng thắn, minh bạch dựa trên tinh thần cầu thị cùng nhau xây dựng quán, thay vì tranh luận một cách cảm tính và “cả nể”. Đây sẽ là nền tảng cơ bản quyết định mối quan hệ hùn hạp làm ăn này có bền hay không.

    3.2. Tìm ra định hướng chung và xây dựng kế hoạch rõ ràng


Có thể nói tầm nhìn và định hướng sẽ quyết định cho “tuổi thọ” của quán. Nếu không có định hướng rõ ràng sẽ khiến quán hoạt động trong vô định, không có mục tiêu và dễ rơi vào bế tắc khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tầm nhìn thực tế sẽ cho phép chủ quán hiểu rõ vị trí của mình và biết phải làm gì để quán hoạt động tốt nhất. Việc đặt mục tiêu có phần khuếch đại, thậm chí viển vông sẽ là “nấm mồ” đắp sẵn cho hoạt động kinh doanh của bạn. Đây cũng là một lợi thế của việc hùn hạp làm ăn chung, đôi bên có thể trao đổi và góp ý cho nhau để tìm được định hướng đúng đắn nhất.

Ngoài ra, mọi người cũng cần xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết để đôi bên cùng biết được những đầu mục cần làm khi mở quán, cũng như trách nhiệm cá nhân của mình đối với quán là gì. Một số yếu tố quan trọng cần đạt được sự đồng thuận giữa các bên hùn hạp để đưa vào kế hoạch kinh doanh như:

- Định vị thương hiệu thuộc phân khúc nào, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu.

- Lựa chọn quy mô quán để dự tính số vốn đầu tư cần thiết.

- Liệt kê chi tiết từng khoản chi phí và phân chia ngân sách phù hợp: Chi phí xin giấy phép kinh doanh, chi phí thuê mặt bằng, chi phí thiết kế và xây dựng kiến trúc, chi phí đầu tư nội thất, chi phí nguyên vật liệu, chi phí tiện ích,…

- Mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn kinh doanh: Mất bao lâu để thu hồi vốn dựa trên mức đầu tư, thời gian kinh doanh có lợi nhuận, dự tính mở chi nhánh mới,…

- Lên ý tưởng các hoạt động quảng bá, marketing cho quán.

    3.3. Soạn thảo hợp đồng, thỏa thuận rõ ràng


Để tránh các bất động về lợi ích cá nhân hay trách nhiệm mỗi người khi hùn hạp làm ăn chung thì tất tận tật mọi thỏa thuận đều phải đạt được sự thống nhất chung và ghi chú đầy đủ trong hợp đồng. Ngay cả khi hợp tác cùng với người quen cũng cần hợp đồng cụ thể để không vướng mắc vào các vấn đề mâu thuẫn trong tương lai. Các điều khoản quan trọng cần được thảo luận để đưa vào hợp đồng như:

- Thông tin chủ thể ký kết hợp đồng góp vốn.

- Thỏa thuận mục đích góp vốn.

- Thỏa thuận hình thức, phương thức, giá trị và thời hạn góp vốn.

- Thỏa thuận cách thức quản lý vốn góp, sử dụng vốn góp.

- Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng góp vốn.

- Quy định về phân chia lợi nhuận và rủi ro trong hợp đồng.

- Quy định về rút phần vốn góp và chuyển nhượng phần vốn góp.

- Thỏa thuận về tài sản chung hình thành từ hợp đồng góp vốn đã ký kết và cách định đoạt tài sản chung.

- Thỏa thuận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng góp vốn.

- Hiệu lực hợp đồng.

- Một số điều khoản khác do đôi bên thỏa thuận.

Hùn hạp làm ăn chung là cơ hội cho những ai không có nhiều vốn hay kinh nghiệm cũng có thể mở quán khởi nghiệp. Thế nhưng đồng thời, hùn hạp làm ăn cũng tồn tại nhiều vấn đề rủi ro có thể phát sinh trong quá trình hợp tác. Nhìn chung, để hùn hạp mở quán bên chặt, lâu dài, thì các bên tham gia phải cùng hợp tác dựa trên nguyên tắc tôn trọng, minh bạch và cầu tiến. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến định hướng ngân sách, hay điều khoản thỏa thuận, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn cùng các đối tác tương lai của mình.


Theo Kiot AI