Khách Hàng “Cắm Rễ” Cả Ngày: Thiệt Hay Lợi Trong Kinh Doanh Cà Phê?
Nếu đã kinh doanh cà phê thì chắc hẳn các chủ quán cũng không lạ gì với hình ảnh khách hàng “cắm rễ” cả ngày tại quán. Phần lớn mọi người chọn “cắm rễ” tại các quán cà phê thường cho các mục đích học tập, làm việc, họp nhóm,… cùng nhiều lý do cá nhân khác. Việc có đông khách đến quán là mong muốn của bao người chủ, thế nhưng nếu khách hàng ngồi lâu cả ngày thì lại khiến nhiều người trăn trở về chi phí vận hành và hiệu quả kinh doanh của mình.Vậy, rốt cuộc việc khách hàng “cắm rễ” cả ngày tại quán sẽ đem lại thiệt hay lợi cho kinh doanh cà phê? Các chủ quán nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào để có cách xử lý tốt nhất? Hãy cùng F&B giải đáp trong bài viết sau nhé.
Khách hàng “cắm rễ” cả ngày tại quán sẽ đem lại thiệt hay lợi cho kinh doanh cà phê |
1. Khách hàng “cắm rễ” cả ngày tại các quán cà phê đang là xu hướng?
Nếu như trước đây, mọi người thường đi cà phê chỉ đơn giản để thưởng thức cà phê theo thói quen hoặc để thỏa mãn cơn “nghiện” cà phê của mình, thì ngày nay, động ngữ “đi cà phê” còn bao hàm cả nhiều mục đích khác như làm việc, học tập, gặp gỡ bạn bè, thư giãn, tham dự workshop,… Ngay cả những người đã làm việc lâu năm trong ngành kinh doanh cà phê cũng đều đồng ý rằng văn hóa cà phê của người Việt đã thay đổi. Đặc biệt với sự nổi lên của văn hoá “đi cà phê làm việc” đang dần hình thành lên xu hướng mới, ngày càng có nhiều khách hàng ôm bài vở, laptop đi cà phê nhiều hơn.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Thinking Skills and Creativity, kết quả cho thấy người trẻ có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng hơn khi học bài và làm việc trong quán cà phê. Đồng thời, một khảo sát khác vào đầu năm 2022 của một công ty về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng toàn diện và điều hành mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý tại Việt Nam (với hơn 500.000 thành viên) cho thấy xu hướng chuyển từ việc làm cố định (fulltime) sang làm việc tự do (freelancer) tại Việt Nam đang gia tăng.
Chính những điều này mà hình ảnh mọi người tập trung học tập, làm việc đã trở nên quá quen thuộc khi bước vào các quán cà phê. Thậm chí, có những người còn đến quán từ sáng sớm và ngồi lại cả ngày cho đến chập tối sau khi đã hoàn thành xong công việc, bài vở của mình.
Tâm lý chung của các chủ quán sẽ cho rằng việc khách hàng “cắm rễ” tại quán sẽ đem lại nhiều tổn thất cho hoạt động kinh doanh của mình vì họ sử dụng nhiều dịch vụ như wifi, điện, máy lạnh,… Nhất là với những khách hàng ngồi lâu cả ngày nhưng lại chỉ mua một cốc cà phê duy nhất thì họ không chỉ sử dụng dịch vụ của quán mà còn khiến hệ số xoay vòng của quán bị chậm lại do bàn được dùng “chết” cho một khách.
Dù vậy, nếu như việc khách hàng “cắm rễ” tại quán cả ngày đem lại chỉ toàn là tổn thất thì chắc chắn sẽ không có sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh cà phê như cà phê văn phòng, cà phê workshop, cà phê workplace,… phục vụ cho chính những khách hàng có thể ngồi lại lâu.
xxxxxxxxx
2. Những mặt tích cực trong kinh doanh cà phê có nhiều khách hàng đến quán “cắm rễ”?
2.1. Tạo “phần hồn” trong kinh doanh cà phê
Ưu điểm hàng đầu khi có nhiều khách hàng “cắm rễ” trong kinh doanh cà phê chính là sr5 tạo cho quán một không gian đông khách trong bất kỳ thời điểm nào. Nhất là vào những giờ thấp điểm thường sẽ khá vắng khách, thậm chí là không có khách, thì chính những vị khách “cắm rễ” cả ngày này sẽ cho phép quán luôn có khách hàng, vô hình chung tạo nên cảm giác tốt cho những khách hàng mới có ý định bước vào quán.
Điều này đặc biệt hữu ích để thu hút những khách hàng vãng lai. Nhóm khách hàng này phần lớn đều là người qua đường và không biết nhiều về quán nên mọi người thường sẽ phán đoán chất lượng khi nhìn vào lượng khách hàng hiện có trong quán. Và dĩ nhiên, khách vãng lai có xu hướng chọn những quán có lượng khách nhất định, ấm cúng, hơn là những quán vắng tanh, không có vị khách nào. Chính vì thế, có thể nói những vị khách “cắm rễ” sẽ góp phần giúp quán thu hút thêm khách hàng.
2.2. Đóng góp nguồn doanh thu đều đặn
Hầu hết mọi người đều không thích sự thay đổi, thường lựa chọn những điều quen thuộc, do vậy khách hàng có thói quen “cắm rễ” đều có xu hướng quay trở lại một quán nhất định bởi họ hài lòng với không gian, âm thanh, đồ uống và các dịch vụ tiện ích đi kèm của quán. Đôi khi, họ vẫn có thể “đổi gió” để thử trải nghiệm những quán mới, nhưng chắc chắn vẫn sẽ lựa chọn quán quen trong phần lớn nhu cầu của mình. Những vị khách này lâu dần sẽ trở thành khách hàng trung thành, họ có thể ghé lại hàng tháng, hàng tuần, thậm chí là hàng ngày, từ đó tạo nên doanh thu vô cùng đều đặn và ổn định cho quán.
Thêm vào đó, một khách hàng đã quen “cắm rễ” ở quán bạn thì với các mối quan hệ xung quanh khi có nhu cầu gặp gỡ, đi cà phê, họ cùng đều sẽ chọn hẹn tại những quán quen. Nếu không phải là những khách hàng có nhu cầu check in, thích khám phá những quán độc lạ, thì quán quen sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu của mọi khách hàng, một nơi mà họ đã hiểu quá rõ và hài lòng về chất lượng trải nghiệm mình nhận được. Lúc này, quán của bạn sẽ nghiễm nhiên có thêm một lượng khách hàng mới, phục vụ tốt sẽ “thu hoạch” được thêm khách hàng trung thành và lợi nhuận phát sinh, sau đó họ sẽ lại tiếp tục đóng góp vào doanh thu cho quán của bạn.
2.3. Tạo cơ hội để upsell – bán hàng gia tăng
Trên thực tế, không phải khách hàng có thói quen “cắm rễ” cùng đều chỉ gọi một món nước duy nhất để khiến bạn phải lo lắng đến vấn đề lời hay lỗ. Khi phải ngồi lâu trong nhiều giờ liền cùng với sự tập trung để hoàn thành công việc, bài vở sẽ thúc đẩy họ gọi thêm món để nạp lại năng lượng cho mình, đồng thời giải quyết cơn đói, cơn khát, hay chỉ đơn giản là sự “buồn miệng”. Nhờ đó, các quán cà phê sẽ có cơ hội bán thêm để gia tăng doanh thu và lợi nhuận của mình.
Quán có thể tạo menu combo gồm thức uống + món ăn để khuyến khích khách hàng mua thêm. Các món thức uống nên là những món best seller bán chạy nhất tại quán để tăng cơ hội bán hàng được combo gia tăng nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số món ăn thích hợp dùng tại quán cà phê như bánh mì, bánh mì que, bánh croissant, cùng một số món bánh ngọt như cookie, tiramisu,… Ngoài ra, bạn cũng thể đặt một menu nhỏ tại mỗi bàn dành cho những khách không lựa chọn combo từ đầu. Việc liên tục nhìn thấy menu sẽ thúc đẩy khách hàng phải cân nhắc gọi thêm món, nhờ đó bạn cũng có thể bán được thêm ít nhiều.
Nếu như việc khách hàng “cắm rễ” tại quán cả ngày đem lại chỉ toàn là tổn thất thì chắc chắn sẽ không có nhiều thương hiệu cũng tập trung vào mô hình này đến thế. Một số thương hiệu kinh doanh cà phê nổi tiếng cũng nhắm đến nhóm khách hàng ngồi lâu tại quán để làm việc, học tập như The Coffee House, Phúc Long, Cheese Coffee, Three O’clock, Thức,…
Do vậy, cân nhắc cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực của vấn đề này, các chủ quán sẽ nhận ra việc khách hàng ngồi lâu tại quán thực tế cũng không tệ như những gì mình đã nghĩ, mà ngược lại còn đem về rất nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh. Nếu được tận dụng đúng cách thì bạn còn có thể mở rộng và phát triển thêm cho hoạt động kinh doanh cà phê của mình.
Theo Kiot AI