"Cơn lốc" nhượng quyền cuốn đi tiền tích góp của nhiều chị em tay ngang
Thay vì tự mở quán thì nhượng quyền đang là cách mà nhiều người lựa chọn và cho rằng "chỉ cần bỏ tiền là có tất cả".
Kinh doanh F&B và nhượng quyền F&B
Kinh doanh là một trong những cách kiếm tiền phổ biến mà gần như bất cứ ai cũng có thể tham gia. Trong đó, riêng với nhóm có mức thu nhập thấp như sinh viên, người mới ra trường, nhân viên văn phòng,... thường chọn lĩnh vực F&B như mở quán cà phê, trà sữa, quán ăn,... vì nhu cầu sử dụng cao và linh động nguồn vốn. Đặc biệt, với các chị em nội trợ có chút kỹ năng vào bếp sẽ càng mang niềm tin rằng bản thân có thể phát huy sở trường, cơ hội thành công sẽ càng cao.
Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tính đến hết năm 2022, Việt Nam có gần 338.600 nhà hàng/cà phê. TP. HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều hàng quán nhất, chiếm 39,78% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội – tỉnh thành đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo trên, có đến 99% đơn vị kinh doanh F&B nói chung sau thời gian hoạt động đều gặp vấn đề về vận hành. Tùy vào kinh nghiệm, khả năng,... của mỗi người sẽ từng bước cải thiện hoặc dẫn đến rủi ro khác nhau, nơi thì doanh thu không thể tăng trưởng hoặc tệ hơn là "đuối sức" nên buộc phải đóng cửa.
Nhượng quyền là mô hình đang phổ biến với những người muốn kinh doanh bằng số tiền không lớn và cũng không nhỏ. Nguồn: Pexels |
Dù các trường hợp này không hề hiếm gặp, thậm chí rất nhiều người cũng từng chia sẻ về sự "vỡ mộng" khi theo đuổi ước mơ làm chủ. Nhưng thực tế, việc sở hữu một cửa hàng thời trang, một quán cà phê hay tiệm trà sữa,... cho riêng mình vẫn luôn là mục tiêu và khao khát với những ai mong ước một lần rẽ sang con đường kinh doanh. Cũng vì lẽ đó, thay vì tự mình mở quán với thương hiệu mới trước loạt rủi ro khó kiểm soát, nhiều người giờ đây bắt đầu tìm đến mô hình nhượng quyền với suy nghĩ "bỏ ra một số tiền và ít công sức là có người chia sẻ ngay thương hiệu, công thức độc quyền, hệ thống vận hành đã tối ưu cùng thiết kế cửa hàng bài bản,... và lượng khách sẵn có" là yên tâm thu tiền hàng tháng.
Nếu nói về mặt lý thuyết thì suy nghĩ đó không sai, bởi đây là ưu điểm lớn nhất của mô hình nhượng quyền từ lâu đã rất phổ biến, mang về khoản tiền lớn cho cá nhân/doanh nghiệp. Nhưng đồng thời, nó cũng là con dao hai lưỡi khiến nhiều người "sập hố", mất tiền vì chưa gặp thời hay vì bản thân đã tính sai đều có.
Lỗ tiền tỷ dù mở tiệm trà sữa ngay con phố đắt địa quận 1
Bằng kinh nghiệm "xương máu" đúc kết từ lần mua nhượng quyền ở những năm 2017, chị H. tại thời điểm đó đang làm quản lý tại công ty logistic. Với sở thích uống trà sữa kèm máu kinh doanh, sau khi chứng kiến làn sóng trà sữa bùng nổ và mong muốn bắt lấy yếu tố "thức thời", chị H. đã không ngần ngại chi vài tỷ đồng để mang một thương hiệu trà sữa mới tại Đài Loan về Việt Nam.
Theo đánh giá của chị lúc đầu rằng: "Giữa năm 2016 - 2017 đột nhiên cơn sốt trà sữa quay trở lại và còn rầm rộ hơn cả giai đoạn 2006 - 2009. Không chỉ tại Việt Nam mà ở Đài Loan lúc này cũng có rất nhiều thương hiệu mới xuất hiện cho nhượng quyền. Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, họ còn mở các buổi chia sẻ về quy cách pha chế, kiến thức về trà, câu chuyện hình thành cơn sốt trà sữa kèm mỗi mùa đặc biệt trong năm sẽ có từ 1 - 2 món mới cung cấp cho các đơn vị nhận nhượng quyền. Và tại Việt Nam, chị là người đầu tiên cũng là duy nhất mang thương hiệu này về ở thời điểm đó".
Sau hơn 1 tháng ở Đài Loan khảo sát, chị H. vừa thích thú vừa nôn nóng hoàn tất thật nhanh các thủ tục để sớm khai trương trước khi cơn sốt trà sữa đến giai đoạn hạ nhiệt.
"Thiên đường trà sữa" cực hot một thời với các mặt bằng từ vài nghìn đến chục nghìn đô đều sáng đèn dọc khắp các con phố Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm,... trong đó từng có quán của chị H.
Vì là "lính mới" trong lĩnh vực này nên để yên tâm hơn, chị H. còn tìm các đơn vị dạy pha trà sữa truyền thống khác của người Đài Loan để củng cố thêm kinh nghiệm. Thủ tục xong, chị H. nhanh chóng về lại TP.HCM, mạnh dạn thuê mặt bằng với tòa nhà 2 tầng nằm ngay mặt tiền đường Ngô Đức Kế quận 1. Nhắc lại vào giai đoạn 2017 - 2019, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm, Nguyễn Huệ được mệnh danh là thiên đường trà sữa. Mà để chốt được mặt bằng này, ngoài việc phải chi khoản tiền cọc lớn, đảm bảo phí thuê duy trì hàng tháng, chị H. còn phải nhờ vào mối quan hệ quen biết của chồng với phía chủ nhà để ký được hợp đồng.
Chị H. chia sẻ: "Tâm thế của chị khi đó đã chọn được thương hiệu phù hợp, có mặt bằng đẹp, tự tin vào sản phẩm thì khả năng thành công sẽ rất lớn". Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 6 tháng mở cửa, doanh thu của quán giảm dần. Lúc đầu chị H. cho rằng do mình quá tự tin về vị trí nên làm marketing rất nhỏ giọt, không thuê người nổi tiếng để quảng cáo nên về sau phải đổ tiền thuê thêm người. Cải thiện đâu chưa thấy thì lúc này, con phố trà sữa đã bắt đầu xuất hiện tình trạng trả mặt bằng do thị trường không còn hot như trước.
Sau khoảng hơn 1 năm kinh doanh, chị quyết định đóng cửa vì sản phẩm mới của chị H. gần như không thể thuyết phục được sở thích của khách hàng so với các thương hiệu chỉ cách quán vài bước chân. Chị H. ngậm ngùi kể: "Ở Đài Loan mọi người thường tập trung vào chất lượng trà và các hương vị sau khi được kết hợp. Trái lại ở Việt Nam, trà sữa hot một phần do đa dạng các loại topping và thời đó đang là trend của lớp kem cheese phủ trên bề mặt. Lúc chị nhận ra cũng đã yêu cầu công ty tại Đài Loan làm thêm công thức, nhưng thành phẩm không thể so sánh với các nhãn hiệu đã đi trước cả năm. Nếu chờ phía Đài Loan nghiên cứu mà thị trường vẫn còn sôi động thì chắc chị cũng sẽ cố gồng. Tiếc là trào lưu lúc đó nổi quá nhanh mà đi cũng quá bất ngờ nên chị quyết định đóng cửa sớm tránh lỗ nhiều hơn".
Theo chị H. tâm sự, số tiền trên chị xem là học phí để đúc kết kinh nghiệm khi lần đầu dấn thân vào con đường F&B và nhượng quyền, bởi "không có bài học nào mà không phải bỏ tiền, nhất là trong việc kinh doanh". Về sau chị cũng cảm thấy quá mạo hiểm khi đánh giá sai sản phẩm, "dù họ khá thành công tại nước của họ, nhưng tại Việt Nam là thị trường mới trong khi bản thân chị không đủ kiến thức ở mảng này đành phải chấp nhận sự thật".
Hiện tại, trà sữa với đủ loại topping nhà làm được ưa chuộng. Ảnh: 45cm. |
Trà sữa tuy không còn gây "chấn động" như trước, nhưng món thức uống này đến nay đã có chỗ đứng riêng. Không cần cửa hàng to ở các con phố sầm uất, hay phải tốn tiền trăm tiền tỷ để xây dựng, trang trí thật đẹp vì sau dịch Covid-19, đặt đồ ăn mang về nhà đã thành nhu cầu thay đổi hoàn toàn thói quen của thực khách. Hiện tại, trà sữa home-made, quán bình dân được các chị, các mẹ tự làm topping, tự pha bằng đủ các loại nguyên liệu "cây nhà lá vườn" lại trở thành chân ái của cả giới trẻ lẫn dân văn phòng.
Không chỉ riêng trà sữa, nhiều thương hiệu khác như cà phê, trà chanh, sữa chua trân châu,... với mô hình đơn giản, giá rẻ nhưng vận hành bài bản bắt đầu cho nhượng quyền để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, đồng thời cũng hứa hẹn giảm thiểu các bài toán rủi ro như trường hợp của chị H. nói riêng và với người chưa có kinh nghiệm nói chung.
Vỡ mộng vì cho rằng mua nhượng quyền sẽ có cơ hội học lóm một cách an toàn
Bằng số tiền tích góp của hai vợ chồng, Tú Dung (Vũng Tàu) cũng vừa mua nhượng quyền thành công để sở hữu một quán cà phê nhỏ tại TP. Thủ Đức.
"Đáng lẽ ra vợ chồng mình định mở cửa hàng thời trang nữ hoặc trẻ em tại Vũng Tàu nhưng suy nghĩ lại, cảm thấy nhu cầu mua sắm quần áo đang giảm nhiều nên đổi hướng mở quán cà phê. Phần vì đây cũng là sở thích của vợ chồng mình từ lâu, muốn có nơi tụ họp bạn bè nhưng không vì thế mà xem nhẹ. Trong lúc tìm ý tưởng, vô tình mình biết một người quen cho nhượng quyền quán cà phê đang khá đông khách nên đã đồng ý mở chi nhánh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels |
Năm đầu tiên lượng khách tương đối ổn. Sang năm thứ hai bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề về chất lượng cà phê, cả các món bánh ngọt được công ty cung cấp cũng ngày càng kém. Có hôm bánh khô khốc, hôm thì nói là không đủ hàng mà không hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ hoặc thông báo từ phía công ty. Thật ra chọn nhượng quyền là vì tụi mình không có nhiều kinh nghiệm nên muốn đây sẽ là cơ hội để bước đầu học kinh doanh, mục tiêu 2 - 3 năm sau tụi mình sẽ tự mở quán riêng.
Học thì cũng học được đấy, nhưng ức chế, khả năng lỗ vốn đang rất cao vì hiện doanh thu đang ở con số âm. Nhân đây mình cũng muốn đưa lời khuyên cho mọi người hãy lựa chọn thương hiệu thật kỹ, ít nhất đã kinh doanh từ 3 - 5 năm để có cái nhìn thật kỹ về mức độ ổn định của chất lượng sản phẩm và quy trình quản lý. Nếu bản thân không có kinh nghiệm thì tìm người có chuyên môn và tin tưởng để nghiên cứu về thị trường, hiệu quả tài chính của thương hiệu rồi hãy đưa ra quyết định" - chị Dung cho biết.
Bà Nguyễn Phi Vân - chuyên gia về nhượng quyền tại Việt Nam đã từng chia sẻ vào năm 2019 rằng "trong vòng 3 năm tới sẽ có rất nhiều thương hiệu nước ngoài đổ vào Việt Nam theo hình thức nhượng quyền thương mại". Và thật vậy, ở thời điểm hiện tại không khó để tìm một thương hiệu nhượng quyền với nhiều phân khúc và tầm giá khác nhau, chi tiền hoặc hưởng theo doanh thu, lợi nhuận đều có.
Với các thương hiệu lớn, người muốn nhận nhượng quyền ngoài phải chứng minh được tiềm lực tài chính, kiến thức nền, năng lực quản lý, vận hành,... đôi khi còn có cả bằng cấp, kinh nghiệm liên quan. Mục đích để cùng nhau phát triển, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu đã được xây dựng thành công và các bên cùng nhượng quyền khác. Mặc dù trong kinh doanh, yếu tố thức thời cũng rất quan trọng nhưng cũng không nên vì thế mà vội vàng theo số đông hoặc chỉ nhìn về bề nổi.
Theo Kim Thanh
Theo Tổ Quốc