Đừng xem nhẹ hợp đồng nhượng quyền thương mại khi kinh doanh

(KTSG) – Hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam hiện rất phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tranh chấp có thể phát sinh giữa bên nhượng quyền (franchisor) và bên nhận quyền (franchisee). Sự rủi ro có thể đến từ sự thiếu đồng bộ trong các khâu của quá trình kinh doanh giữa bên nhận quyền và hệ thống nhượng quyền, thiếu hụt sự kiểm tra, giám sát của bên nhượng quyền, cho đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như bảo mật thông tin.
Đừng xem nhẹ hợp đồng nhượng quyền thương mại!
Hợp đồng nhượng quyền thương mại (franchise agreement) – bản thỏa thuận giữa chủ thương hiệu là bên nhượng quyền và bên nhận quyền – được lập ra nhằm khẳng định về mối quan hệ hợp tác, bảo đảm sự nhất quán trong việc phát triển và quản lý mạng lưới các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đồng thời bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn xem nhẹ tầm quan trọng của hợp đồng nhượng quyền nên lập ra bản thỏa thuận một cách sơ sài, thiếu hụt những quy định cốt lõi. Chính sự thiếu hụt này dần đẩy các bên vào tình trạng mất kiểm soát, dẫn đến sự thất bại của hoạt động nhượng quyền.

Bên nhượng quyền: hai điểm mấu chốt


Thứ nhất, điều khoản duy trì sự đồng bộ và nhất quán của hệ thống nhượng quyền. Hoạt động nhượng quyền suy cho cùng nhằm tạo ra một hệ thống hay chuỗi các cửa hàng, cơ sở kinh doanh với cùng sự nhận diện thương hiệu. Nghĩa là tất cả các cửa hàng trong cùng một hệ thống phải có sự nhất quán, đồng bộ trong hoạt động kinh doanh. Nhượng quyền thương mại hay thường được gọi là nhượng quyền thương hiệu không chỉ đơn giản là việc bên nhận quyền được sử dụng hình ảnh, tên gọi (nhãn hiệu) của bên nhượng quyền để thực hiện hoạt động kinh doanh, mà bên nhận quyền còn được tiếp nhận các tài sản khác của bên nhượng quyền, như bí quyết kinh doanh, bí mật thương mại, văn hóa kinh doanh… Do đó, việc bảo đảm bên nhận quyền áp dụng đúng các chỉ dẫn mà mình đưa ra là mối quan tâm hàng đầu của bên nhượng quyền.

Để làm được điều này, bên nhượng quyền cần xây dựng một quy trình kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt đối với bên nhận quyền trong quá trình hoạt động kinh doanh. Cụ thể, bên nhượng quyền phải xây dựng và chuẩn hóa các quy trình của mình đối với hoạt động nhượng quyền, từ tiêu chí chọn đối tác, tiêu chí lựa chọn mặt bằng kinh doanh, yêu cầu về nguyên, vật liệu đầu vào, không gian nội thất, chất lượng đầu ra và cả phong cách phục vụ. Tất cả những nội dung này cần được các bên thống nhất áp dụng và trở thành một phần của hợp đồng nhượng quyền.

Tiếp đó, bên nhượng quyền cần xây dựng các điều khoản kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu đã đưa ra. Cụ thể, bên nhượng quyền cần thỏa thuận chi tiết về phương thức kiểm tra, giám sát hoạt động của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền, bổ sung các quy định về quyền chấm dứt hợp đồng nhượng quyền và phạt vi phạm, yêu cầu bồi thường nếu bên nhận quyền có hành vi vi phạm các cam kết đã đưa ra. Việc này giúp bên nhượng quyền có thể bảo vệ được hoạt động của cả một hệ thống nhượng quyền, trong trường hợp có bất kỳ một cửa hàng, cơ sở kinh doanh nào có sự lệch pha trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, điều khoản bảo mật thông tin. Như đã đề cập ở trên, ngoài những yếu tố có thể dễ dàng nhìn thấy được như nhãn hiệu, thiết kế nội thất, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh thì việc nhượng quyền còn bao gồm các tài sản vô hình khác mà bên nhượng quyền phải chia sẻ cho bên nhận quyền, như bí quyết kinh doanh, bí mật thương mại… Những thông tin này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống nhượng quyền, không chỉ tạo nên sự khác biệt của một thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường mà còn là chìa khóa để duy trì sự tồn tại và phát triển của thương hiệu đó. Vì vậy, việc thông tin mật bị tiết lộ có thể gây thiệt hại rất lớn về mặt tài chính cũng như đe dọa đến sự tồn tại của bên nhượng quyền.

Với đặc thù là các thông tin ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp, bên nhượng quyền khi thỏa thuận các hợp đồng nhượng quyền cần lưu ý về thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin. Thông thường, điều khoản này sẽ có hiệu lực từ thời điểm tiếp nhận thông tin và tiếp tục duy trì hiệu lực bất kể tình trạng chấm dứt hoặc hết hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền. Điều này giúp bảo vệ cho thông tin mật của bên nhượng quyền, tránh tình trạng thông tin mật bị tiết lộ sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại chấm dứt.

Theo đó, bên nhượng quyền cần liệt kê cụ thể các thông tin được xem là thông tin mật trong phạm vi áp dụng của hợp đồng nhượng quyền đồng thời đặt ra cơ chế xử lý trong trường hợp thông tin mật bị tiết lộ. Trong bối cảnh bên nhượng quyền có thể có rất nhiều đối tác là các bên nhận quyền khác nhau, việc điều tra thông tin mật bị tiết lộ sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí của bên nhượng quyền. Do đó, ngoài việc quy định chế tài xử lý đối với bên nhận quyền vi phạm, bên nhượng quyền còn lưu ý bổ sung nghĩa vụ chi trả của bên nhận quyền vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin đối với các chi phí điều tra hành vi vi phạm.

Bên nhận quyền: hai điểm mấu chốt


Thứ nhất, điều khoản về khu vực được bảo vệ. Khi thỏa thuận hợp đồng nhượng quyền, bên nhận quyền cần đặc biệt chú ý đến Điều khoản về khu vực được bảo vệ (Protected Territory hoặc Protected Radius), yêu cầu bên nhượng quyền cung cấp cho mình một khu vực địa lý được bảo vệ. Cụ thể, điều khoản này hướng đến mục đích giữ cho bên nhận quyền là bên duy nhất được nhượng quyền thương mại trong một khu vực địa lý nhất định, trong thời hạn của hợp đồng nhượng quyền, không có bên nhận quyền nào khác có thể mở cửa hàng, cơ sở kinh doanh trong khu vực địa lý này. Đồng thời, điều khoản này còn giúp bên nhận quyền có đủ phạm vi và không gian hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng cạnh tranh giữa chính các bên nhận quyền của cùng một thương hiệu.

Thứ hai, điều khoản về thời hạn hợp đồng nhượng quyền. Pháp luật Việt Nam hiện quy định thời hạn hợp đồng theo thỏa thuận giữa các bên, hợp đồng nhượng quyền cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, khi tham gia vào hoạt động nhượng quyền, bên nhận quyền thường bỏ ra một số vốn lớn để đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, chi phí đào tạo cho nhân sự và các chi phí khác để phù hợp với yêu cầu của hệ thống nhượng quyền. Do đó, bên nhận quyền cần tính toán và thỏa thuận thời hạn hợp đồng nhượng quyền thích hợp để bảo đảm thu hồi khoản vốn đã đầu tư giai đoạn ban đầu.

Ngoài ra, với một số đặc thù của hoạt động nhượng quyền thuộc về nghĩa vụ của bên nhượng quyền, như cung cấp tài liệu hướng dẫn cho bên nhận quyền; đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho bên nhận quyền; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền; đối xử bình đẳng với các bên nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền. Đây đều là những nghĩa vụ cơ bản của bên nhượng quyền, đòi hỏi bên nhượng quyền phải tuân thủ vì mục đích hoạt động của bên nhận quyền. Nói một cách khác, bên nhận quyền có thể thỏa thuận quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền của mình trong trường hợp bên nhượng quyền vi phạm một trong các nghĩa vụ nêu trên.

Có thể thấy, khi giao kết hợp đồng nhượng quyền, mỗi bên sẽ cần quan tâm đến những điều khoản khác nhau, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của mình. Những điều khoản kể trên có thể được các bên thiết kế thành nhiều điều khoản liên quan, đơn cử như các điều khoản hạn chế về đầu vào của sản phẩm, dịch vụ; hạn chế loại sản phẩm, dịch vụ được mua bán, cung cấp; hạn chế trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin; điều khoản gia nhập thị trường của bên nhận quyền khác hay cam đoan, bảo đảm của bên nhượng quyền. Việc thỏa thuận cụ thể, chi tiết những nội dung của hợp đồng nhượng quyền giúp các bên kiểm soát được rủi ro của chính mình, phần nào đó giúp cho hoạt động nhượng quyền diễn ra minh bạch, hướng đến lợi ích lâu dài của các bên.

LS. Nguyễn Văn Phúc - LS. Nguyễn Nhật Dương (*)
(*) Công Ty Luật TNHH HM&P