Hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh?

(KTSG) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và khắc phục một số vướng mắc khi thi hành quy định về đăng ký hộ kinh doanh. Thiết nghĩ nhân cơ hội soạn thảo nghị định này, nên mạnh dạn đổi tên khái niệm hộ kinh doanh thành cá nhân kinh doanh vì nhiều lý do.

 

Hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh?

Ở nhiều nước, mô hình kinh doanh có bản chất tương tự với mô hình hộ kinh doanh ở nước ta (do một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của cá nhân đó với hoạt động kinh doanh) được xác định là cá nhân kinh doanh chứ họ không có khái niệm hộ kinh doanh.

Thực tế cho thấy ở nước ta đa số hộ kinh doanh là do một cá nhân đứng ra thành lập và làm chủ, rất ít trường hợp do các thành viên gia đình thành lập. Chẳng hạn, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, con số thống kê trong tháng 7-2023 cho thấy, trên phạm vi cả nước có hơn 52.417 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, trong đó có 52.317 hộ kinh doanh do cá nhân thành lập và làm chủ (chiếm 99,8%) và chỉ có 110 hộ kinh doanh do các thành viên hộ gia đình thành lập (chiếm 0,2%).

Trong mỗi gia đình, các cá nhân trưởng thành thường có những hoạt động kinh doanh độc lập với nhau, và trên thực tế họ tiến hành các hoạt động kinh doanh như thế với danh nghĩa cá nhân chứ ít ai nghĩ đến mô hình kinh doanh gia đình. Người cha có thể mở tiệm sửa xe trong khi các con có thể buôn bán trên các sàn thương mại điện tử và người mẹ làm dịch vụ uốn tóc chẳng hạn. Nếu mỗi người có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không cần đăng ký, nhưng giả sử ai cũng có doanh thu vượt con số này thì họ sẽ đăng ký hộ kinh doanh như thế nào? Theo quy định, các cá nhân hay thành viên trong hộ gia đình chỉ được đăng ký dưới danh nghĩa một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Điều này có khả năng gây cản trở tham gia thị trường đối với các thành viên khác cùng hộ gia đình.

Dự thảo Nghị định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cũng đề cập đến vấn đề này khi đưa ra hai phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh, trong đó phương án 1 giữ nguyên đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình và phương án 2 quy định đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân. Theo tờ trình đi kèm với dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mỗi phương án đều có những ưu nhược điểm riêng. Chẳng hạn, theo phương án 1 thì do pháp luật hiện nay chưa có quy định về khái niệm hộ gia đình nên phải bổ sung quy định thành viên hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng.

Nếu mạnh dạn đổi tên khái niệm hộ kinh doanh thành cá nhân kinh doanh, chúng ta sẽ không còn phải băn khoăn về những phương án này nữa, vì đương nhiên đối tượng chịu sự chi phối của nghị định này sẽ là cá nhân. Đây vừa là thông lệ quốc tế vừa là thực tế ở nước ta, bởi đại đa số hộ kinh doanh được thành lập bởi cá nhân chứ không phải do các thành viên cùng gia đình ngồi lại bàn bạc với nhau và cử ra một người đại diện để thành lập.

Chỉ còn một sự băn khoăn là khái niệm kinh tế hộ gia đình đã tồn tại rất lâu trong nền kinh tế Việt Nam nên mọi sự sửa đổi có thể gây ra tranh cãi. Chúng ta từng có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy sang hình thức quản lý bằng mã số định danh. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kèm theo là các giải thích tường tận, cặn kẽ, việc đổi tên từ hộ kinh doanh thành cá nhân kinh doanh sẽ được sớm chấp nhận.