Mức Thuế Phải Nộp Hàng Tháng Khi Kinh Doanh Quán Cafe, Quán Ăn

Là một chủ quán cafe, quán ăn, nhà hàng thì chắc hẳn bạn sẽ phải quan tâm đến vấn đề thuế bao gồm những gì và được tính như thế nào. Hiểu rõ về thuế sẽ giúp bạn đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình diễn ra trơn tru và biết cách phát triển để đạt được mức lợi nhuận lý tưởng nhất sau khi đã trừ khi khoản thuế phải nộp cho nhà nước.

 

Cách tính mức thuế phải nộp hàng tháng khi kinh doanh ăn uống

Kinh doanh cafe, quán ăn, nhà hàng có 2 hình thức làm giấy phép kinh doanh là thành lập công ty (công ty Cổ phần, Công ty TNHH) hoặc thành lập hộ kinh doanh cá thể. Giấy phép kinh doanh công ty sẽ được Sở kế hoạch đầu tư của tỉnh cấp phép, còn hộ kinh doanh cá thể được Phòng kinh tế trực thuộc UBND quận, huyện nơi có trụ sở hộ kinh doanh cá thể cấp phép. Nếu là công ty thì phương pháp tính thuế sẽ được quy định theo Luật doanh nghiệp và kế toán thuế doanh nghiệp nhưng phần lớn quán cafe, quán ăn, nhà hàng sẽ chọn hình thức là hộ kinh doanh cá thể vì tính đơn giản của nó. Do đó, bài viết này sẽ giải thích rõ cách tính mức thuế phải nộp hàng tháng khi kinh doanh ăn uống với giấy phép kinh doanh là hộ kinh doanh cá thể.

Các loại thuế áp dụng cho kinh doanh F&B theo giấy phép hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam?

Giống như bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào khác, các nhà hàng, quán cà phê cũng bị đánh thuế trên nhiều phương diện. Tùy thuộc vào mức độ lợi nhuận, tên tuổi, tài sản sở hữu và số lương nhân viên của mình mà mỗi nhà hàng sẽ phải đóng mức thuế khác nhau. Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều cách tính thuế cũng như phân loại thuế, nhưng với kinh doanh nhà hàng có ba loại thuế được áp dụng phổ biến bao gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

1. Thuế môn bài là khoản thuế trực thu mà các cá nhân và tổ chức sản xuất kinh doanh phải nộp hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Thuế môn bài được xác định dựa trên vốn điều lệ (hoặc vốn đầu tư) hoặc doanh thu từ năm kinh doanh trước đó với các mức phân chia bao gồm: Doanh thu bình quân trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm
Doanh thu bình quân trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm
Doanh thu bình quân trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm

2. Thuế giá trị gia tăng (GTGT - thuế VAT) là khoản thuế được tính trên giá trị tăng thêm của sản phẩm và dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, vận chuyển hoặc tiêu dùng. Đây là một khoản thuế gián thu thường được cộng vào giá bán sản phẩm, dịch vụ trong đơn hàng và do người tiêu dùng thanh toán khoản phí này khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó. Tùy vào từng loại hàng, sản phẩm và dịch vụ khác nhau mà có các mức thuế giá trị gia tăng phù hợp như 0%, 5% và 10%.

Đối với kinh doanh quán cafe, quán ăn nhà hàng, thuế giá trị gia tăng được tính theo công thức: Số thuế GTGT nhà hàng phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % thuế GTGT

3. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng là một khoản thuế trực thu theo quy định bắt buộc và phải thực hiện của mỗi chủ thể. Thuế thu nhập cá nhân được trích nộp từ một phần tiền lương và bất kỳ nguồn thu nhập nào khác vào ngân sách nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Ở đây thuế thu nhập cá nhân được tính cho một người, đó là tính cho người chủ đứng giấy phép kinh doanh hộ kinh doanh cá thể.

Đối với hộ kinh doanh cafe, quán ăn, nhà hàng, thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức: Số thuế TNCN nhà hàng phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ % thuế TNCN

Trong đó, kinh doanh dịch vụ ăn uống được xếp vào danh mục ngành nghề sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu, do vậy tỷ lệ phần trăm thuế sẽ được áp dụng như sau: Tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng: 3%; Tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân: 1,5%

Thuế thu nhập cá nhân được tính cho người đứng giấy phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể

Ví dụ, nếu nhà hàng của bạn hoạt động đạt doanh thu trung bình mỗi tháng là 80 triệu đồng. Trong quá trình kinh doanh sẽ có phải chi những khoản phí cần thiết như phí thuê nhà 15 triệu, phí thuê nhân viên 8 triệu, phí mua thực phẩm 27 triệu, tiền điện nước 3 triệu.

- Như vậy, doanh thu khoán trung bình mỗi tháng của bạn sẽ là: 80 - (12 + 8 + 27 + 3) = 30 triệu/tháng.

- Mức thuế GTGT bạn phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x 3% = 30 triệu x 3% = 900.000 đồng/tháng.

- Mức thuế TNCN bạn phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x 1,5% = 30 triệu x 1,5% = 450.000 đồng/tháng.

Với ví dụ này, quán có doanh thu 80 triệu đồng/tháng, có chi phí hoạt động kinh doanh là 50 triệu đồng/tháng thì tổng thuế phải nộp hàng tháng = thuế GTGT + thuế TNCN = 900.0000 đồng + 450.000 đồng = 1.350.000 đồng/tháng

Các khoản khấu trừ thuế mà bạn cần lưu ý

Trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào thì lợi nhuận cũng đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, và tối ưu hóa chi phí sẽ là cách cho bạn có được mức lợi nhuận lý tưởng để duy trì hoạt động nhà hàng của mình. Tuy rằng thuế là khoản chi phí bạn bắt buộc phải chi trả, thế nhưng vẫn sẽ có những yếu tố cho phép bạn có thể khấu trừ từ thuế thu nhập của mình.

Tiếp thị quảng bá: Là chủ nhà hàng thì chúng ta đều biết việc phát triển tên tuổi thương hiệu của mình bằng các hoạt động tiếp thị chiếm không ít ngân sách. Trong quá trình cân nhắc đến khoản chi phí tiếp thị được khấu trừ, hãy đảm bảo bạn đã bao gồm đầy đủ tất cả các kênh như Facebook, Google, Instagram,…

Chi phí lao động: Để nhà hàng có thể duy trì hoạt động một cách trơn tru nhất thì đội ngũ nhân sự là yếu tố không thể thiếu. Và tất cả tiền lương cho nhân viên có thể được khấu trừ vào thuế thu nhập của nhà hàng, cũng như các khoản chi phí khác cho nhân viên như phúc lợi dùng cơm trưa. Ngoài ra, bạn vẫn phải trả riêng thuế quỹ lương cho họ theo đúng biên chế đã thỏa thuận.

Thiết bị, dụng cụ: Đầu tư vào trang thiết bị máy móc là việc nên làm nếu bạn muốn nhà hàng của mình có thể mang đến chất lượng tốt nhất. Đừng quên bao gồm cả chi phí cho các vật dụng cần thiết như lò nướng, nồi chiên, bếp, máy rửa chén, tủ lạnh, hay ngay cả một đôi đũa, cùng tất cả các chi phí sửa chữa và bảo trì chúng khi tính toán mức khấu trừ thuế của mình.

Chi phí thực phẩm: Tùy thuộc vào quy mô hoạt động mà khoản chi phí này có thể dao động từ 28% đến 40% trên tổng doanh thu của nhà hàng. Thế nhưng dù là bao nhiêu đi nữa thì hẳn bạn vẫn sẽ muốn giảm loại chi phí này.

Chi phí giấy tờ: Bao gồm tất cả các giấy phép kinh doanh mà nhà hàng cần để có thể hoạt động hợp pháp và được sự bảo hộ của nhà nước. Các vấn đề như nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, xin giấy phép xây dựng hay tư vấn pháp lý đều có thể khiến chi phí vận hành tăng lên, và những khoản chi trả này đều được phép khấu trừ vào thuế nhà hàng.

Tiền bảo hiểm: Bao gồm bảo hiểm nhà hàng, bảo hiểm kinh doanh, bảo hiểm nhân viên, bảo phương cơ sở vật chất, tất cả đều được khấu trừ vào thuế nhà hàng.

Thuế là một trong những yếu tố cần quan tâm hàng đầu khi bạn bước chân vào lĩnh vực kinh doanh cafe, quán ăn, nhà hàng. Bởi các vấn đề về thuế dịch vụ ăn uống có thể sẽ rất phức tạp và mất thời gian kiểm soát nếu bạn không nắm rõ khoản phí này. Chính vì vậy, hãy tìm hiểu thật cẩn thận về thuế để đảm bảo bạn làm đúng trách nhiệm của mình theo pháp luật và có thể tập trung hơn cho các khía cạnh khác trong phát triển nhà hàng.

Theo Bán Cà Sao Phê

Được bắt đầu viết từ năm 2014 và liên tục cập nhật cho đến nay, ebook Bán Cà Sao Phê được anh Cao Trung Hiếu là người sáng lập và điều hành DanTriSoft chia sẻ với mong muốn cung cấp những kiến thức đúng và kinh nghiệm thực tiễn để kinh doanh quán thành công. Đọc ebook tại website www.banCAsaoPHE.com
Ebook Bán Cà Sao Phê